I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên đơn vị: Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam phường Quyết Thắng.

2. Địa chỉ: 02 Bùi Thị Xuân, thành phố Kon Tum.

3. Điện thoại: 02603.862436              Fax: 02603.862436

4. Email: ubndpqthang.thanhpho@kontum.gov.vn

5. Vị trí, địa giới hành chính:

5.1. Vị trí: Phường Quyết Thắng là phường trung tâm thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, với 08 tổ dân phố; có dòng sông Đăk Bla ở phía nam và tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đi qua địa bàn.

200

 Bản đồ giao thông phường Quyết Thắng.

5.2. Địa giới: Phía đông giáp phường Thống Nhất và Thắng Lợi; Phía tây giáp sông Đăk Bla và phường Quang Trung; phía nam giáp sông Đăk Bla, phường Lê Lợi; phía bắc giáp phường Quang Trung.

 Bản đồ phường Quyết Thắng chụp từ vệ tinh. 

6.  Đặc điểm tình hình và điều kiện tự nhiên:

Phường Quyết Thắng có tổng diện tích đất tự nhiên là 120,17 ha, chủ yếu là đất phi nông nghiệp; về khí hậu, vừa có nét chung của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa, vừa lại mang tính chất của khí hậu cao nguyên, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 22 - 250C. Dân số đến năm 2024 khoảng 15.921 người, chủ yếu là dân tộc kinh. Nhân dân trên địa bàn sinh sống bằng nghề phi nông nghiệp, đời sống và thu nhập của người dân tương đối ổn định; có trình độ độ dân trí cao; thu nhập bình quân đầu người khoảng 80 triệu đồng/người/năm. 

Trên địa bàn có Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia -  Ngục Kon Tum; Khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh:  Đình Trung Lương, Đình Võ Lâm, Tổ đình Bác Ái, Tổ đình Trung Khánh; có nhà bia Tưởng niệm các liệt sỹ thành phố và  10 cơ sở thờ tự (04 Chùa; 01 Tịnh xá; 01 Hội quán Trung hoa; 02 Đình; 01 Am tự; 01 Hội đồng hương Thừa thiên Huế). Tín đồ theo đạo chiếm khoảng 43,8% dân số, trong đó Công giáo khoảng 6,92%; Phật giáo khoảng 36,74% và Cao đài khoảng 0,16%. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững, ổn định. Nhân dân trên địa bàn phường tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, tập trung lao động sản xuất, kinh doanh, chăm lo phát triển kinh tế.

II. DI TÍCH LỊCH SỬ, DANH LAM THẮNG CẢNH

1. Di tích Lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum:

Nhà ngục được Pháp xây dựng năm 1930, nằm ở phía bắc sông Đắk Bla, thuộc địa phận tổng Tân Hương, tỉnh Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Tại Ngục Kon Tum, tháng 9/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư. Ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị bị địch đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về; đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14. Tại Ngục Kon Tum đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản, điển hình là cuộc biểu tình 12-12-1931 để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường ở Đắk Pok trong điều kiện vô cùng cực khổ. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp làm 8 người chết, 8 người bị thương. Đến 16-12-1931, cuộc biểu tình chuyển sang biểu tình tuyệt thực. Để che đậy chính sách vô nhân đạo và tẩy sạch dấu vết cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, tháng 12-1935, nhà ngục được lệnh đóng cửa. Ngày 16-11-1988, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu di tích Ngục Kon Tum từ lâu đã trở thành địa điểm đến tham quan quen thuộc của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến Kon Tum.

Di tích Lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum tại đường Trương Quang Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

2. Bảo tàng Kon Tum:

Đây là nơi lưu trữ những kỷ vật của người dân từ xa xưa. Đến đây, du khách vừa thăm quan, chiêm ngưỡng các cổ vật vừa có thể tìm hiểu về nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của đòng bào các dân tộc Tây nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Bảo tàng Kon Tum hiện đang lưu giữ hơn 26.000 hiện vật, tư liệu qua các thời kỳ.

Bảo tàng Kon Tum tại đường Nguyễn Huệ nối dài, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

3. Chùa Bác Ái, Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh:

Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, được xây dựng vào năm 1932. Nhìn tổng thể kiến trúc, chùa Tổ đình Bác Ái xây dựng theo hướng Bắc Nam, kiểu chữ Môn, mở đầu cho hướng đó là cổng tam quan án ngự, đến nhà Chánh điện ở trung tâm và 2 bên tả hữu là Đông Lang và Tây Lang. Bên ngoài chánh điện là Hoa viên, nơi tập trung các bia mộ, tháp, miếu thờ Thần hoàng Bổn cảnh, Sơn thần, Đoàn quán và nhà trù. Đến đây, du khách tham quan được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc, điêu khắc độc đáo của một trong các ngôi Chùa được xây dựng lâu đời nhất ở Kon Tum.

Chùa Bác Ái tại số 01 đường Nguyễn Gia Thiều, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

4. Đình Trung Lương, Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh:

Theo mốc lịch sử thì tên Đình Trung Lương được xác lập sớm nhất ở Kon Tum, ngay sau khi Làng Trung Lương được khai lập (1886). Tuy nhiên, Đình được xây dựng lại hoàn toàn vào năm 1917, và đến nay đã qua nhiều lần trùng tu. Đình được xem là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử xã hội; thực hiện những chức năng cơ bản về hành chính, tín ngưỡng, văn hoá…Đình cũng được coi là một mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự khai phá, hình thành và phát triển của thành phố Kon Tum trong tiến trình lịch sử cho đến ngày nay. Mặt khác, Đình Trung Lương là một mốc lịch sử quan trọng, góp phần đánh dấu sự giao thoa, hội nhập văn hoá người Kinh với các dân tộc thiểu số bản địa Kon Tum.

Đình Trung Lương tại đường Nguyễn Thái Học, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

5. Đình Võ Lâm, Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh:

Đình Võ Lâm Kon Tum là công trình kiến trúc cổ của người Việt, nơi lưu giữ nhiều di vật cổ quý hiếm góp phần bảo tồn và làm phong phú giá trị văn hóa địa phương. Nằm ngay trong lòng thành phố và đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 3/8/2007.   

Đình Võ Lâm được xây dựng vào năm 1935 tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi nằm ở trung tâm thành phố Kon Tum ngày nay do cụ Võ Chuẩn là người có công lập nên.Tên làng Võ Lâm cũng có nghĩa là: Làng ở giữa vùng rừng núi do cụ Võ Chuẩn thành lập.

Đình được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của Huế có hình chữ Đinh, gồm nhà tiền đường, gian chánh điện, gian thờ tiền hiền và nhà Nhóm. Nhìn từ ngoài vào đình Võ Lâm mang dáng vẻ uy nghi. Gian chánh điện từ ngoài vào có hai hương án, hương án phía ngoài có hai lọng che hai bên, cùng với hai con rùa đội hạc chầu. Chính giữa nhà thờ tiền hiền có hương án thờ cụ Võ Chuẩn.

Nét “văn hóa làng cổ” của người Việt xưa vẫn được người dân trân quí, giữ gìn và lưu truyền qua các thế hệ cho đến ngày nay. Được trở về dưới mái đình dường như là được về với không gian linh thiêng, nơi thể hiện lòng tri ân về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân Kon Tum. Chính vì vậy, đình làng Võ Lâm trở thành địa chỉ gần gũi, thân thương của mỗi người dân nơi đây.

Hàng năm, dân làng Võ Lâm thường tổ chức hai lễ tế đình lớn: Lễ tế xuân vào ngày 12/12 âm lịch và lễ tế thu vào ngày 12/8 âm lịch. Mục đích là cầu an và tưởng nhớ đến cụ Võ Chuẩn người có công lập đình làng và xây dựng đình Võ Lâm.

Đình Võ Lâm tại đường Mạc Đĩnh Chi, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

6. Sông Đăk Bla:

Dòng sông Đăk Bla hội tụ nguồn nước của 3 nhánh sông Đăk A Kôi, Đăk Nghệ và Đăk Pone từ huyện Konplong (nơi có Khu du lịch sinh thái Măng đen) đổ về thành phố Kon Tum. Đăk Bla có chiều dài hơn 100 cây số, nhỏ ngắn và nằm gọn trong địa phận tỉnh Kon Tum. Con sông này gắn liền với vô số tích truyện của người dân tộc thiểu số nơi đây. Nếu mọi dòng sông ở Tây Nguyên khởi nguồn từ dãy Đông Trường Sơn đổ ra biển Đông thì sông Đăk Bla lại chảy ngược lên Tây Trường Sơn. So sánh với những dòng sông khác, sông Đăk Bla chảy theo hướng Đông - Tây. Chính nét độc đáo đó đã tạo nên “dòng sông chảy ngược”, biểu tượng của vùng đất Kon Tum. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng "Dải lụa óng ả giữa Tây Nguyên đại ngàn", ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp, ngồi thuyền độc mộc, chụp hình tại các vườn hoa ven sông, thả dáng trên bờ kè và tham quan một số điểm du lịch, ẩm thực dọc sông Đăk Bla.

Sông Đăk Bla - Dải lụa óng ả giữa Tây Nguyên đại ngàn

III. MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ĐỊA PHƯƠNG