A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THÀNH PHỐ KON TUM TẠO ĐỘT PHÁ TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Kon Tum được quan tâm, tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực, góp phần đưa thành phố Kon Tum bứt phá về các chỉ số cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội.

Để tập trung triển khai chuyển đổi số, UBND thành phố Kon Tum đã thành lập Ban chỉ đạo về CĐS thành phố và ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền số và CĐS đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời, toàn thành phố đã thành lập 154 tổ công nghệ số cộng đồng với 676 thành viên thực hiện nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện CĐS trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại thôn, tổ dân phố.

Lễ ký kết hợp tác triển khai Mô hình Chuyển đổi số - Thanh toán số giữa Viettel và UBND xã Ia Chim

Anh Trần Hoàng Kim (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) làm thủ tục hành chính (TTHC) cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Anh Kim cho biết:  Từ khi Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố Kon Tum thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử, dù tôi ở bất cứ đâu, chỉ cần có kết nối mạng, là có thể điền thông tin vào các mẫu đơn, nộp theo hình thức trực tuyến. Mọi vấn đề về thủ tục cần thiết được tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn.

Đến quý III/2023, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, UBND cấp xã, phường đều được cung cấp trên Trang Thông tin điện tử thành phố đạt dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên. Từ đầu năm đến nay, cấp thành phố tiếp nhận xử lý 10.711 văn bản (đến và đi) các loại hoàn toàn điện tử; trong đó, tỷ lệ văn bản điện tử là 3.379/3.382 văn bản (đạt tỷ lệ 99,9%).

Để đáp ứng yêu cầu CĐS toàn diện, thành phố đã trang bị hạ tầng số với 1.326 máy tính tại các phòng, ban thành phố, UBND các xã, phường; 100% các đơn vị, địa phương kết nối mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; cài đặt các phần mềm phòng, chống mã độc nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; bố trí thiết bị công nghệ thông tin như máy in, máy scan phục vụ công việc.

Bên cạnh đó, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã được triển khai đến 100% các đơn vị phòng, ban thành phố và UBND cấp xã với 735 tài khoản hộp thư điện tử được cấp nhằm phục vụ trao đổi thông tin công việc và gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp xã triển khai phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được áp dụng đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

 Các lực lượng thành phố Kon Tum hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử VneID. 

Về hoạt động kinh tế số, UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch về việc phát triển thương mại điện tử, thông tin các chương trình tập huấn về ứng dụng chuyển đổi số đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, cán bộ, công chức trên địa bàn.

Năm 2023, UBND thành phố phân bổ kinh phí cho Phòng Văn hóa Thông tin thực hiện chương trình gắn địa chỉ số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, số tiền 600 triệu (trong đó nguồn ngân sách Trung ương: 300 triệu và nguồn ngân sách thành phố đối ứng 300 triệu); triển khai đô thị thông minh với hệ thống camera giám sát an ninh, giám sát trật tự đô thị; triển khai xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng.

Về thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố đã kích hoạt định danh điện tử. Trong đó, cán bộ, công chức cấp thành phố đã kích hoạt 2.971/3.103 người, đạt tỷ lệ 95,7%; cán bộ, công chức cấp xã đã kích hoạt 460/533 người, đạt tỷ lệ 86,3%.

Ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: UBND thành phố chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc và thành lập những đội xung kích đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người dân chưa thực hiện kích hoạt điện tử để tổ chức thực hiện định danh, thành lập những đội xung kích để thực hiện nhiệm vụ này. Giao nhiệm vụ bình quân phải làm ít nhất 300 trường hợp/ngày ở các xã, phường, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ này trước ngày 15/12/2023.

Đến nay, hầu hết mọi người dân trên địa bàn thành phố có thể tự thực hiện các ứng dụng cơ bản trên môi trường mạng, tiếp nhận các chỉ đạo và tham gia hoạt động của thôn, khu phố nơi mình sinh sống. Những hiệu quả đem lại từ triển khai CĐS toàn diện thời gian qua là yếu tố quan trọng để thành phố Kon Tum tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy hành trình CĐS về đích sớm, góp phần phát triển nhanh, bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.   

Nguồn: Báo Kon Tum.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 32
Hôm qua : 120
Tháng 05 : 757
Tháng trước : 11.434
Năm 2024 : 50.920