A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ÁNH SÁNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐẾN VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở TỈNH KON TUM

Dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Cao trào cách mạng 1930-1931, những hoạt động của tù chính trị cộng sản, việc thành lập chi bộ cộng sản trong binh lính địch và sự ra đời của chi bộ cộng sản đường phố ở thị xã Kon Tum…là những nhân tố cơ bản làm cho nhân dân tỉnh Kon Tum tin tưởng vững bước tiến lên trên con đường cách mạng những năm tiếp theo cho đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945.

Nhà ngục Kon Tum - Nơi ra đời chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Kon Tum

Đầu tháng giêng năm 1930, trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong nước, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Hương Cảng (Trung Quốc) để triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhát ở Việt Nam. Tại phiên họp ngày 03-02-1930, các đại biểu đã nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng. Đây là khâu chuẩn bị quan trọng cho một thời kỳ vùng dậy oanh liệt nhất và bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.
Sau khi ra đời, tuy hệ thống tổ chức của Đảng chưa được hình thành ở nhiều nơi (trong dó có Kon Tum), nhưng Đảng đã phát động một cao trào cách mạng trên cả nước, cao trào chống đế quốc thực dân, phong kiến nổi lên như vũ bão, với quy mô lớn. Đó là cao trào 1930-1931, với nhiều cuộc bãi công của công nhân và nông dân khắp ba miền: Trung, Nam, Bắc với khí thế sục sôi, dũng mãnh. Hoảng sợ trước sức mạnh của quần chúng nhân dân và ảnh hưởng của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Ngày 12-9-1930, Pháp dùng máy bay ném bom, bắn phá vào đoàn biểu tình ở Hưng Nguyên (Nghệ An) làm hàng trăm người chết. Chúng lùng sục khắp nơi, bắt bớ chém giết hàng vạn người. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt, bị giết, bị tù đày, trong số đó có hàng trăm chiến sĩ cách mạng bị đày lên Nhà lao Kon Tum. Phong trào bị thất bại, nhưng tiếng vang và ảnh hưởng của cao trào này rất lớn, không chỉ ở các tỉnh đồng bằng, thành phố, đô thị mà cả miền núi, Tây Nguyên, khắp nơi trong nước, dội mạnh đến Kon Tum.
Ở Kon Tum, trước khi Xô viết Nghệ - Tĩnh nổ ra, đã có những hạt giống cách mạng, nhưng còn yếu ớt trong tổ chức Phục Việt. Đó là một giáo viên tiểu học, vì có tư tưởng yêu nước, cách mạng nên bị thực dân Pháp đày lên tỉnh Kon Tum dạy học. Người giáo viên này chưa gây được ảnh hưởng gì lớn thì năm 1929 bị chuyển đi tỉnh khác để cắt đứt quan hệ. Bên cạnh đó, ở thị xã Kon Tum có những hoạt động của một số trí thức, công chức như tổ chức văn nghệ, ca hát, lạc quyên lấy tiền ủng hộ những nơi bị bão lụt. Cũng thời gian này, có thầy giáo Phạm Tăng, dạy học tại trường tiểu học ở thị xã Kon Tum. Ông bộc lộ tinh thần yêu nước, làm thơ ca chống đế quốc, phong kiến, đả kích bọn mật thám, tay sai, ám chỉ chúng là “chó săn”. Vì tinh thần yêu nước chống Pháp ấy, lập tức ông bị bọn thực dân cai trị đổi đi nơi khác. Các thầy giáo Trần Lâm, Trần Quế quê ở Quảng Nam lên tỉnh Kon Tum dạy học và tuyên truyền tư tưởng yêu nước, cách mạng. Nhưng tất cả đều mới chỉ là mầm mống.
Trong thời gian cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, theo cách tuyên truyền miệng của người dân giao lưu buôn bán, làm ăn từ nhiều tỉnh đến; thông qua những thầy giáo từ vùng xuôi do không ăn cánh với bọn cai trị nên bị đưa lên Kon Tum dạy học và nhiều luồng thông tin khác đã làm cho phong trào cách mạng ở đây được chắp cánh thêm. Song ảnh hưởng của cao trào cách mạng 1930-1931 dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản thực sự đến với tỉnh Kon Tum, sâu sắc nhất là hoạt động của những người yêu nước, các chiến sĩ cộng sản từ các cao trào đó bị Pháp bắt đày lên giam cầm ở nhà lao Kon Tum.
Hàng trăm chiến sĩ cộng sản bị đày lên Kon Tum với ý đồ thâm độc của thực dân Pháp là: cách ly họ với ánh sáng của Đảng; sử dụng sức lao động làm đường giao thông phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa; lợi dụng “rừng thiêng nước độc” để giết chết các chiến sĩ cách mạng. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, sự nhanh nhay linh hoạt của người cộng sản đã được tôi luyện trong mọi hoàn cảnh, họ đã “biến cái rủi thành cái may”. Tại Nhà lao Kon Tum và các công trường lao dịch, các chiến sĩ cách đã liên hệ, móc nối với nhau để gây dựng tổ chức Đảng và tuyên truyền lý tưởng cách mạng đến với Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Sau khi các chiến sĩ cách mạng bị đày lên chưa được bao lâu, một chi bộ đảng cộng sản đầu tiên ở Kon Tum được thành lập ngay trong Nhà lao vào ngày 25-9-1930 (Chi bộ binh), với người Bí thư là tù chính trị và thành viên là các ông cai, ông đội làm việc cho thực dân Pháp. Đầu năm 1931, Chi bộ đường phố được thành lập. Sự kiện thành lập hai chi bộ cộng sản vào những năm 1930-1931 ở tỉnh Kon Tum có ý nghĩa tích cực đối với cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, giải phóng con người ở Kon Tum. Hai chi bộ là nòng cốt, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Kon Tum, tổ chức phát động quần chúng tham gia đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, bảo vệ cách mạng, tạo được ảnh hưởng của Đảng sâu rộng trong quần chúng nhân dân địa phương. Cũng dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, Cuộc đấu tranh Lưu huyết ở Nhà lao Kon Tum (ngày 12-12-1931) và Cuộc đấu tranh tuyệt thực sau đó diễn ra là sự kiện lịch sử gây chấn động đối với bọn thực dân thống trị Pháp ở ngay tại Kon Tum và toàn cõi Đông Dương; đồng thời khiến cho đồng bào các dân tộc tỉnh kon Tum rất khâm phục ý chí kiên cường của những người tù chính trị cộng sản và tình nguyện đi theo Đảng để giành độc lập, tự do.
Dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Cao trào cách mạng 1930-1931, những hoạt động của tù chính trị cộng sản, việc thành lập chi bộ cộng sản trong binh lính địch và sự ra đời của chi bộ cộng sản đường phố ở thị xã Kon Tum, đều nhằm xây dựng cơ sở cách mạng trong các giai cấp, tầng lớp nhân dân Kon Tum. Tuy diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng nó có ảnh hưởng rất lớn trong phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Kon Tum, cũng như trong cả nước. Đó là một trong những nhân tố cơ bản làm cho nhân dân tỉnh Kon Tum tin tưởng vững bước tiến lên trên con đường cách mạng những năm tiếp theo cho đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.024
Hôm qua : 2.547
Tháng 01 : 24.997
Tháng trước : 31.295
Năm 2025 : 83.445