A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐỘT PHÁ NÀO ĐỂ KON TUM "THẮP SÁNG" KINH TẾ BAN ĐÊM.

Là địa phương còn nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng, lại đi sau trong lĩnh vực phát triển kinh tế ban đêm, đòi hỏi Kon Tum phải có những giải pháp đột phá để “thắp sáng” kinh tế ban đêm; phải làm sao để du khách “thức nhiều hơn” và tiến tới “thức trắng” với kinh tế ban đêm…

Để phát triển kinh tế ban đêm, thành phố Kon Tum khai trương Phố đêm Đăk Bla vào đêm 10/4/2023

Trong gần nửa thế kỷ qua, việc phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm đã được nhiều quốc gia đặc biệt chú trọng và trở thành một trong những động lực quan trọng, tạo nên sự phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của nhiều khu vực đô thị, góp phần làm nên sức sống mới của các đô thị, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Thời gian qua, nhiều địa phương ở Việt Nam đã triển khai và phát triển kinh tế ban đêm, bước đầu đã và đang đem lại một nguồn thu đáng kể cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, nhìn chung việc phát triển kinh tế ban đêm ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế và đơn điệu, sơ khai và lúng túng, bởi họ nghĩ kinh tế đêm chỉ đơn thuần là một số hoạt động nhất định, là những mảnh ghép rời rạc như hình thành phố đi bộ, phố ăn uống ban đêm, tổ chức một số trò chơi giải trí… chưa phát triển được những thương hiệu sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là một trong những lý do khiến doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách du lịch tại một địa phương chưa cao; du khách cảm thấy thiếu hấp dẫn vì không có nhiều lựa chọn để vui chơi, thư giãn về đêm.
Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, mỗi khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2022 dành trung bình 357,12 USD cho thuê, mướn khách sạn; 257,57 USD cho ăn uống; 167,43 USD cho mua sắm; 162,56 USD cho phương tiện đi lại tại Việt Nam; 109,96 USD cho tham quan và giải trí. Như vậy, nguồn thu chủ yếu của ngành du lịch vẫn chỉ đến từ dịch vụ lưu trú và ăn uống (tương đương với 56,75% số tiền mà du khách chi tiêu), trong khi trên thế giới, phần thu mang lại nhiều giá trị kinh tế nhất lại đến từ mua sắm và dịch vụ tham quan - giải trí. Do đó, giải pháp nâng cao “chất lượng chi tiêu” của du khách chính là ở chỗ làm sao cho họ mua sắm nhiều hơn, vui chơi giải trí nhiều hơn, chứ không chỉ tập trung vào ăn uống ở hè phố và chi trả cho các căn phòng khách sạn giá rẻ như hiện nay.

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của kinh tế ban đêm và thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, ngày 12/8/2022, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-UBND ban hành Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tổng quát: “Định hướng hình thành và đầu tư phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn có tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác; đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng và phát triển của ngành thương mại dịch vụ nói chung, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến nền kinh tế 24 giờ; nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và tài nguyên môi trường”. Đề án cũng xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó xác định tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân khoảng 10%/năm; tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt 42-43% GRDP của tỉnh (đến năm 2025), chiếm 42-43% GRDP của tỉnh (đến năm 2030) và chiếm khoảng 47-50% GRDP của tỉnh (giai đoạn 2031-2050); toàn tỉnh có ít nhất 205 cơ sở lưu trú với 2.890 buồng lưu trú phục vụ khách qua đêm (đến năm 2025), có 255 cơ sở lưu trú với 3.640 buồng lưu trú phục vụ khách qua đêm (đến năm 2030); tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 02 ngày trở lên (đến năm 2025) và từ 2,5 ngày trở lên (đến năm 2030), và từ 3 ngày trở lên (giai đoạn 2031-2050).
Để thực hiện có kết quả mục tiêu trên, Đề án đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Triển khai các mô hình kinh tế ban đêm như phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm; đồng thời bổ sung loại hình dịch vụ du lịch, thể dục thể thao tại các địa phương với trọng tâm là tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tại các khu vực, địa điểm được quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm như phố đi bộ, bãi đỗ xe, đèn chiếu sáng, cấp thoát nước,… Thu hút đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ phát triển kinh tế ban đêm như trung tâm thương mại; hệ thống cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ; dịch vụ vận chuyển về đêm như xe buýt, xe điện, xe đạp, tàu thuyền… Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư các mô hình kinh tế ban đêm hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển như công viên vui chơi, giải trí quy mô lớn; nâng cấp và tổ chức các show diễn ban đêm, các lễ hội, sự kiện quy mô mang tầm khu vực…

Cần xác định kinh tế ban đêm không chỉ có phố đi bộ, chợ đêm, ăn uống về đêm mà bao gồm tất cả những hoạt động kinh tế mà những hoạt động này phong phú, đa dạng hơn tất cả những hoạt động kinh tế ban ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và khách du lịch, trong đó cần phải quan tâm đầu tư để đánh thức tiềm năng du lịch ban đêm với phương châm: “ban ngày kiếm tiền, ban đêm tiêu tiền”. Như vậy, kinh tế đêm bao gồm các mặt của kinh tế ban ngày, đồng thời bổ sung thêm những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách sau một ngày làm việc mệt mỏi, cần được thư giãn, giải trí và hưởng thụ…

Với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum thì cần hướng đến đúng nguồn khách và phát triển các sản phẩm, dịch vụ cụ thể, đặc biệt cần quan tâm đến hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính đặc trưng, có bản sắc riêng để giữ chân du khách; có những chương trình trải nghiệm thực tế mang chiều sâu của văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và sự mới mẻ theo xu hướng của thế giới luôn là sản phẩm chính thu hút khách tham gia và chi tiêu mạnh về đêm.
Song, là địa phương còn nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng, lại đi sau trong lĩnh vực phát triển kinh tế ban đêm, đòi hỏi Kon Tum phải có những giải pháp đột phá để “thắp sáng” kinh tế ban đêm; phải làm sao có nhiều điểm nhấn ẩm thực, mua sắm và vui chơi giải trí “từ tối hôm trước đến sáng hôm sau”; đồng thời quan tâm khai thác các giá trị về bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán… để du khách “thức nhiều hơn” và tiến tới “thức trắng” với kinh tế ban đêm. Hay nói cách khác là cái tài của nhà quản lý và các cơ sở kinh doanh là phải làm sao để “bắt du khách phải thức” và tự nguyện móc hầu bao ra chi tiêu một cách hào phóng, thoải mái khi tham gia hoạt động kinh tế ban đêm.
Du lịch ban ngày của tỉnh Kon Tum chúng ta chưa thật sự hấp dẫn nên cần phải bổ sung thêm các hoạt động du lịch về đêm nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, thêm sản phẩm cho du khách. Du khách có thể khám phá ẩm thực, tham quan các địa điểm du lịch, làng nghề truyền thống; trực tiếp tham gia vào các hoạt động lễ hội hay tham gia diễn xướng văn nghệ, hòa mình vào các vòng xoong, vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; trải nghiệm một số hoạt động lao động sản xuất về đêm như đi cài bẫy thú, đi soi ếch, tham gia cạo mủ cao su, tham gia đập lúa, xay thóc, giã gạo, làm bánh… trải nghiệm cùng quá trình sản xuất các sản phẩm OCOP; trải nghiệm một ngày làm nông dân vùng cao…
Muốn vậy, bên cạnh việc xác định các loại hình, sản phẩm du lịch cần tập trung đầu tư phát triển ở từng địa phương, cũng cần phải có quy hoạch các tuyến, điểm du lịch, dịch vụ, hoạt động vui chơi giải trí cụ thể để có những phương thức, giải pháp quản lý phù hợp nhằm khoanh vùng, cách ly hữu hiệu giữa phần “thức cùng du khách” và phần “ngủ” của người dân. Trong đó, cần quan tâm đầu tư phát triển và khai thác các tuyến du lịch bằng du thuyền trên dòng sông Đăk Bla và các lòng hồ (Ya Ly, Sê San, Plei Krông, Thượng Kon Tum…); các làng du lịch cộng đồng (như Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring của thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; Làng du lịch Kon Kơ Tu của xã Đăk Rơ Wa, Tp Kon Tum; Làng du lịch cộng đồng Kon Brăp Du ở xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy; Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà…); khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, gốm sứ, đan lát, chế tác tượng…); các lễ hội như mừng lúa mới, cúng giọt nước, lễ hội đâm (ăn) trâu, lễ hội sắc mầu thổ cẩm; hội chợ ngã ba biên giới; festival Sâm Ngọc Linh…

Các hàng quán ban đêm cũng cần phải thay đổi tư duy, nếp nghĩ cách làm; tránh chỉ tập trung vào các món ăn đường phố giống như các nơi khác, mang tính “ăn xổi”, mà cần chăm chút, đầu tư tạo dựng những thương hiệu, tên tuổi lâu dài để “bắt” du khách phải quay lại thưởng thức. Tinh thần thái độ, phương pháp cách thức phục vụ cũng cần phải thay đổi theo hướng lấy sự hài lòng, thoải mái và độ chi tiêu của du khách làm mục tiêu, xác định đây là chính là “thương hiệu”, là giá trị cốt lõi của lĩnh vực dịch vụ, du lịch tỉnh nhà.
Một trong những giải pháp quan trọng, đó là cần tập trung phát huy thế mạnh của du lịch vùng/miền, du lịch văn hóa - lịch sử, bởi một trong những xu hướng của khách du lịch, nhất là du khách quốc tế hiện nay là muốn được khám phá sâu hơn, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa - lịch sử ở mỗi điểm đến. Trong khi đó, Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên có thế mạnh về hệ thống các lễ hội đậm đà bản sắc gắn với thiên nhiên hoang sơ, cảnh quan kỳ thú, là cơ sở để hình thành nhiều chương trình, sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đa dạng.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 76
Hôm qua : 172
Tháng 05 : 2.905
Tháng trước : 11.434
Năm 2024 : 53.068