A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HÌNH THỨC ĐỐI VỚI LỄ TANG NGUYÊN CHỦ TỊCH ĐẢNG, NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC LÀO KHAMTAY SIPHANDONE

Việt Nam sẽ để tang nguyên Chủ tịch Lào Khamtay Siphandone theo nghi thức quốc tang trong ngày 4-5/4.

Để tỏ lòng thương tiếc nguyên Chủ tịch Lào Khamtay Siphandone và xuất phát từ quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định để tang ông Khamtay Siphandone theo nghi thức quốc tang trong ngày 4-5/4, theo Thông cáo đặc biệt của Bộ Ngoại giao số 1846/BNG-ĐNA, ngày 03-4-2025 về việc hình thức đối với lễ tang nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Khamtay Siphandone.

Nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Khamtay Siphandone.

Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang như quy định, không tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.

Nguyên Chủ tịch Lào Khamtay Siphandone từ trần lúc 10h30 ngày 2/4 tại nhà riêng ở thủ đô Vientiane. Lào tổ chức quốc tang trong 5 ngày, từ 3/4 đến 7/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Vientiane.

Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang viếng ông Khamtay Siphandone, bày tỏ đau xót trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch Lào và gửi tới các lãnh đạo, nhân dân Lào và gia quyến ông Khamtay Siphandone lời chia buồn sâu sắc nhất.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước đó gửi điện chia buồn, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn khi được tin ông Khamtay Siphandone từ trần.
Ông Khamtay Siphandone sinh năm 1924 tại làng Huakhongphayai, huyện Khong, hiện thuộc tỉnh Champasack, trong gia đình nông dân. Năm 1931, một viên chức đã đưa ông đi học tại Vientiane. Ông vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào trường PAVIE danh tiếng (hiện là trung học Vientiane), trường trung học duy nhất ở Lào khi đó.
Cuối năm 1941, viên chức giúp đỡ ông đột ngột qua đời, gia đình gặp khó khăn về tài chính và ông phải nghỉ học, bắt đầu làm nghề đưa thư. Ông sau đó đến Sài Gòn học khóa đào tạo chuyên ngành và trở về Lào năm 1944, trở thành viên chức điện báo ở tỉnh Phongsaly.

Những năm sau đó, ông tham gia phong trào giành độc lập khỏi sự cai trị của Pháp. Năm 1947, ông Khamtay Siphandone tham gia lực lượng của Mặt trận Lào Issara. Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1954 và gia nhập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào một năm sau đó. Trong sự nghiệp cách mạng, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách, được phong quân hàm Đại tướng.

Sau khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập năm 1975, ông Khamtay Siphandone giữ chức bộ trưởng quốc phòng, rồi trở thành phó thủ tướng. Ông nhậm chức thủ tướng năm 1991 và giữ chức chủ tịch nước từ năm 1998 đến 2006. Ông là Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1992 đến 2006.

Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nguyên Chủ tịch Khamtay Siphandone đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ Kon Tum.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 903
Hôm qua : 2.545
Tháng 04 : 22.301
Tháng trước : 29.329
Năm 2025 : 121.178