KHUYẾN CÁO PHỤ HUYNH KHÔNG GIAO XE CHO NGƯỜI CHƯA ĐỦ TUỔI ĐIỀU KHIỂN
Theo số liệu thống kê, những trường hợp vi phạm giao thông gần đây cho thấy tình trạng người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô khá phổ biến, trong đó không ít phụ huynh học sinh giao xe máy cho con em điều khiển khi chưa đủ tuổi, điều này tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường
Trước thềm năm học mới, nhiều gia đình đã quyết định chọn mua cho con em mình một chiếc xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cc hay xe máy điện, vừa là phần thưởng khích lệ kết quả thi chuyển cấp, vừa là phương tiện để đến trường thuận tiện hơn phòng khi quỹ thời gian quá bận rộn không để đưa đón con đến trường. Cũng khá dễ hiểu vì loại phương tiện này hiện rất phổ biến, giá cả cũng phải chăng và không yêu cầu phải có bằng lái. Thế nhưng phía sau một món quà mà cha mẹ dành riêng cho các em, khiến cho nhiều em cảm thấy thích thú thì nguy cơ mất an toàn từ những chiếc xe này cũng chính là vấn đề đáng được quan tâm và lưu ý. Đáng ngại ở suy nghĩ chủ quan khi không ít phụ huynh cho rằng đi xe máy điện hay xe gắn máy dung tích dưới 50cc an toàn hơn so với xe máy phân khối lớn, tuy nhiên trên thực tế, với vận tốc tối đa có thể lên tới 40 đến 50 km/h thì mức độ nguy hiểm của những xe kể trên là như nhau. Mới đây nhất đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 01 em tử vong và 01 em thương tích nặng vào ngày ngày 29/9/2024 tại đoạn đường tránh thôn Kon Jơ Dri giao nhau với đường liên thôn Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Xác minh ban đầu được biết, đây là hậu quả do xảy ra va chạm giữa xe đầu kéo biển số 81C-224.56 do tài xế L.V.T điều khiển với xe mô tô biển số 82AA-154.66 do em T.K.N điều khiển xe chở theo P.T.C.T (cùng sinh năm 2009) ngồi sau, hướng từ đường liên thôn làng du lịch Đăk Rơ Wa về TP Kon Tum băng sang đường.
Hình ảnh hiện trưởng sau tai nạn
Hình ảnh xe hư hỏng nặng tại hiện trường tai nạn
Hay không lâu trước đó, vào ngày 25/8/2024, tại đường liên thôn thuộc thôn Plei Rơ Wăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe mô tô mô tô biển số 82B1-228.18 do Y.K (sinh năm 2012, trú tại thôn Plei Dơng; xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) điều khiển chở theo sau Y N (Sinh năm 2010, trú tại thôn Plei Rơ Wăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) hướng đi từ xã Đăk Năng đến xã Ia Chim, thành phố Kon Tum với xe mô tô biển số 82B1-074.84 do P.T.M.T (Sinh năm 2011) chở theo sau P.T.T, cả hai cùng trú tại thôn Ia Kim, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum lưu thông hướng ngược lại làm P.T.M.T và Y K bị thương tích; hai xe mô tô bị hư hỏng. Đây là ví dụ gây hậu quả thực tế khi các bậc phụ huynh vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của mình, sẵn sàng giao phương tiện dù biết con em mình dưới độ tuổi cho phép, thậm chí không nêu gương trong việc chấp hành luật giao thông đường bộ. Đó là trở ngại, khó khăn lớn nhất trong công cuộc giảm thiểu tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh mặc dù các ban, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng này.
Không phải ngẫu nhiên mà độ tuổi lái xe được quy định rất rõ ràng trong Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008. Chiếc xe chỉ là công cụ chứ không là nguyên nhân gây tai nạn mà đa số vẫn ở ý thức cá nhân người điều khiển phương tiện. Độ tuổi gắn với giai đoạn phát triển thể chất cũng như tâm sinh lý con người. Lứa tuổi học sinh đang trên đà phát triển toàn diện, kiến thức và kỹ năng điều kiện phương tiện còn hạn chế, đáng lo ngại trong tính cách ở độ tuổi này là muốn thể hiện bản thân. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khi không ít học sinh có hành vi lạng lách đánh võng trên đường, đi không đúng làn đường, phần đường, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai, không chú ý quan sát,... khi điều khiển xe. Đây chính là biểu hiện rõ nhất về sự hạn chế ý thức khi tham gia giao thông của lứa tuổi này.
Theo lực lượng chức năng, hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật và không giao xe cho học sinh khi chưa đủ tuổi được phép điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nội dung cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông đường bộ. Thời gian hiện tại cũng như sắp tới, bên cạnh việc phối hợp với các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tiếp cho các em học sinh, sinh viên các cấp nhằm trang bị những kỹ năng hiểu biết pháp luật nhất định về trật tự an toàn giao thông, giúp các em tuân thủ và cùng chung tay phòng ngừa, Công an thành phố nói chung và lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm chấn chỉnh tình trạng này để phần nào hạn chế phải chứng kiến những hình ảnh tai nạn giao thông thương tâm xôn xao dư luận xã hội vừa qua.
Hình ảnh tổ chức buổi tuyên truyền và giả định tình huống tham gia giao thông tại các điểm trường học của Công an thành phố Kon Tum
Hy vọng rằng khi đã được trang bị thì các em học sinh sẽ áp dụng được những điều mà mình đã được học vào những tình huống giao thông cụ thể, có ý thức hơn trong việc đi lại trên đường, làm sao để chiếc xe đang đi của mình trở thành một phương tiện hữu ích thay vì là phương tiện gây ra tai nạn và cũng đừng để tai nạn xảy ra vì sự kém hiểu biết của chính mình, nhất là khi mà tương lai của các em còn rất dài ở phía trước.
Một số kỹ năng lái xe an toàn khi di chuyển qua ngã tư:
+ Tập trung quan sát
+ Nhường đường cho các xe đi thẳng hoặc đã vào giao lộ trước. Nếu có xe khác tới giao lộ cùng lúc với bạn, hãy tuân theo quy tắc:
Thứ nhất, các phương tiện rẽ trái luôn nhường đường cho các phương tiện đi tới từ bên phải hoặc đi thẳng. Thứ hai, lần lượt theo trình tự, các xe đến ngã tư và dừng trước luôn được ưu tiên so với xe đến và dừng sau.
+ Phanh/ giảm tốc theo xe phía trước hoặc bên cạnh
Trường hợp di chuyển phía sau hoặc song song với một phương tiện khiến tầm nhìn bị che khuất tại giao lộ, bạn hãy quan sát nếu xe đó phanh/giảm tốc độ thì nên cân nhắc và sẵn sàng chủ động phanh/giảm tốc theo. Bởi, có thể người điều khiển chiếc xe đó đã quan sát thấy trước một mối nguy hiểm đang tới nên có hướng xử lý.
Theo Công an thành phố Kon Tum.