A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LÂM ĐỒNG ĐĂNG CAI NGÀY HỘI VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH CÁC DÂN TỘC VÙNG TÂY NGUYÊN LẦN THỨ HAI

Sau ba ngày diễn ra các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc vùng Tây Nguyên, tối 1.12, tại Quảng trường 16/3, thành phố Kon Tum (Kon Tum), Ban tổ chức Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2023 đã tổ chức Lễ bế mạc.

Chương trình văn nghệ chào mừng sự thành công của Ngày hội lần thứ nhất

Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2023 diễn ra tại Kon Tum từ ngày 29.11 đến ngày 1.12. Ngày hội do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và 5 tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức.

Trong khuôn khổ Ngày hội các hoạt động như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày ảnh  nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên đồng hành cùng sự phát triển của đất nước;  Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; Hoạt động xúc  tiến, quảng bá du lịch. 

Các đại biểu cùng đông đảo người dân, du khách tham dự Lễ bế mạc

Theo Ban tổ chức, Ngày hội diễn ra theo đúng kế hoạch, thực hiện đầy đủ các nội dung trong Ngày hội, đảm bảo an toàn về mọi phương diện, tạo được không khí phấn khởi đoàn kết, lòng tự hào về các giá trị văn hoá truyền thống để đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng nâng cao được nhận thức, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm giữ gìn di sản văn hoá quý báu của dân tộc mình.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá Dân tộc, Phó trưởng Ban tổ chức phát biểu bế mạc Ngày hội

Phát biểu tại Lễ bế mạc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá Dân tộc, Phó trưởng Ban tổ chức Ngày hội cho biết, Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Vụ trưởng Vụ Văn hoá Dân tộc đánh giá, chương trình Lễ khai mạc Ngày hội đã đảm bảo tính trang trọng, hoành tráng có ý nghĩa về chính trị, văn hoá đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người xem, với nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh tham gia ngày hội và công chúng; có sức lan tỏa về các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc khu vực Tây Nguyên; Ngày hội đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương đã đến tham dự, chỉ đạo, phát biểu, động viên khích lệ các nghệ nhân, diễn viên, VĐV và đánh giá cao các hoạt động của Ngày hội nói chung và chương trình Lễ khai mạc nói riêng. 

Thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung trao Bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích tham gia tổ chức Ngày hội

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, đối với nội dung Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Các tỉnh tham dự ngày hội với một phong cách khác nhau song đã thể hiện được nét riêng của các địa phương qua trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa cộng đồng thông qua hiện vật: tranh, ảnh, sách, tờ gấp; mô hình hiện vật, nhạc cụ, trang phục truyền thống của dân tộc, nghề thủ công, thổ cẩm, sản vật của địa phương nhằm giới thiệu với du khách thập phương về địa phương của mình một cách sinh động, lôi cuốn và thu hút người xem.

Liên hoan văn nghệ quần chúng với sự tham gia của 5 đoàn với các tiết mục văn hóa nghệ thuật khác nhau. Các tiết mục văn nghệ quần chúng của các đoàn đã minh chứng và đánh thức tiềm năng, bản sắc văn hoá nội sinh của các dân tộc vùng Tây Nguyên, để lại nhiều ấn tượng, bất ngờ, đối với Hội đồng thẩm định và những ai được chứng kiến với những làn điệu dân ca, âm nhạc dân gian, cồng chiêng, điệu múa nhiều phong cách nhưng giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc. Các nghệ nhân, diễn viên không chuyên của các các dân tộc thực sự đã chinh phục người xem bởi những vũ điệu, lời ca giàu cảm xúc, tự hào về văn hoá của mình.

Trao Bằng khen của UBND tỉnh Kon Tum cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong tổ chức Ngày hội

Đối với chương trình Trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, qua sự thể hiện của các nghệ nhân trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc: Giẻ Triêng, K’ Ho, M’Nông, Mạ, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na…, như một bức tranh đa sắc mầu đã tạo nên sự hấp dẫn, thu hút người dân và du khách. Các bộ trang phục được thể hiện từ kiểu dáng, họa tiết, sắc mầu… đã minh chứng sự sáng tạo, sự tinh tế thông qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, từ các bà, các mẹ đã thêu dệt lên những chiếc áo, chiếc váy… gắn với đời sống thường ngày, gắn với các lễ hội, khi hát giao duyên, khi làm cô dâu, chú rể, khi tổ chức các nghi lễ. Các nghệ nhân tham gia trình diễn giới thiệu trang phục của mình, với sự tự tin đã tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, hấp dẫn riêng, tạo nên lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Hy vọng rằng, trang phục truyền thống của các dân tộc sẽ tiếp tục được gìn giữ và trao truyền đến các thế hệ nối tiếp. 

Trao cờ cho các Đoàn tham gia Ngày hội

Đối với chương trình trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã lựa chọn và dàn dựng 1 trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở địa phương mình. Qua trích đoạn lễ hội đặc sắc của các đoàn đã cho thấy các địa phương rất coi trọng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Các trích đoạn lễ hội được chuẩn bị nghiêm túc, có sự đầu tư về nghiên cứu khoa học gắn với khảo sát thực tiễn, tuy được trình diễn một cách mộc mạc giản dị nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các nghi thức dân gian với sự tham gia của thầy cúng, nghệ nhân, lễ vật , âm nhạc, múa tâm linh, tái hiện không gian thể hiện gần nhất trong thực tế đời sống. Đây cũng là minh chứng về sự phong phú, đa dạng và nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Nguyên, có sự kế thừa các yếu tố văn hoá truyền thống đậm bản sắc, song vẫn có sự lựa chọn những giá trị văn hóa phù hợp để giao thoa, bảo tồn, phát huy phù hợp với đời sống xã hội từng địa phương và phù hợp với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.  

Bên cạnh đó nội dung triển lãm trưng bày đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam của Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam và Không gian trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam do Vụ Văn hóa dân tộc thực hiện đã góp phần làm phong phú, tạo điểm nhấn riêng cho Ngày hội.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc và Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung trao cờ đăng cai Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ hai cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S

“Qua Ngày hội này sẽ là sợi dây kết nối xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các tỉnh. Đây là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương đặc biệt là các nghệ nhân (chủ thể văn hóa) đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các của các dân tộc Tây Nguyên trong vườn hoa đa sắc của 54 dân tộc anh em. Sau Ngày hội này tin tưởng rằng các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có thêm động lực cùng nhau đoàn kết tiếp tục phát huy tinh thần của Ngày hội về với bản làng có thêm kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh.

Các đại biểu, du khách và nghệ nhân các Đoàn chung vui mừng thành công Ngày hội

Theo Ban tổ chức Ngày hội, sau ba ngày diễn ra các nội dung của Ngày hội, Hội đồng thẩm định đã chấm chọn và trình Ban Tổ chức tặng và trao thưởng 18 giải A, 18 giải B và 5 giải C cho các tiết mục nội dung của các đoàn tham gia Ngày hội..

Đối với Hội thi thể thao quần chúng, sau ba ngày thi đấu sôi nổi, hào hứng trên tinh thần thể thao đoàn kết, trung thực, cao thượng, các hoạt động thi đấu thể thao đã kết thúc thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Ban tổ chức đã trao 35 bộ huy chương cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc các nội dung thi đấu. BTC đã trao 5 cờ toàn đoàn cho các đoàn đạt thành tích xuất sắc. Theo đó, cờ nhất đoàn thuộc về đoàn Đắk Lắk, 2 cờ nhì đoàn thuộc về đoàn Kon Tum và Gia Lai, 2 cờ ba đoàn thuộc về đoàn Đắk Nông và Lâm Đồng.

Ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân đã có những đóng góp tích cực, góp phần cho thành công của Ngày hội, Bộ VHTTDL đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể (5 đoàn nghệ nhân khu vực Tây Nguyên và Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum và Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum) và 4 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 4 cá nhân.

Theo kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng sẽ đăng cai tổ chức Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ II vào năm 2026. 

Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng sự thành công của Ngày hội lần thứ nhất 

Nguồn: Báo Văn hóa


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 32
Hôm qua : 49
Tháng 05 : 2.910
Tháng trước : 11.434
Năm 2024 : 53.073