A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LỄ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU “ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN” CHO TẬP THỂ CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG BỊ ĐỊCH BẮT TÙ ĐÀY TẠI NGỤC KON TUM

Sáng 25-9, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum.

Toàn cảnh Lễ đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum.

Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; U Huấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ đón nhận; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh qua các thời kỳ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ban Liên lạc tù chính trị Kon Tum và thân nhân các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum giai đoạn 1930 – 1931; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Sư đoàn 10; cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh và đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn thành phố Kon Tum.

/upload/104939/20240925/grabd73f92_lanh_dao_tinh_dang_huong_dang_hoa_tuong_nho_cac_anh_hung_liet_si_1.jpgLãnh đạo tỉnh dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã lập ra hàng chục nhà ngục, nhà đày, nhà lao trên khắp đất nước, nhằm giam cầm những người Việt Nam yêu nước, biến nhà lao thành công cụ đắc lực để đàn áp, “ổn định” thuộc địa. Để đối phó với phong trào yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đang dâng cao, năm 1915 - 1917 thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà Ngục Kon Tum gồm 02 lao: Lao Trong và Lao Ngoài, ban đầu chỉ để giam giữ tù thường phạm, nhưng đến năm 1930 trở thành nơi lưu đày, phát vãng, hãm hại những nhà ái quốc chống Pháp.
Thất bại và sợ hãi trước cao trào Xô Viết - Nghệ tỉnh (1930-1931), chính quyền thực dân Pháp đã đưa ra chiêu bài “đi tự do sinh hoạt” và lần lượt đưa các đoàn tù chính trị ở các tỉnh đồng bằng lên giam cầm ở nhà Lao Kon Tum, người tù chính trị đầu tiên là đồng chí Ngô Đức Đệ đưa lên giam giữ tại đây vào đầu tháng 6 năm 1930; tiếp đó, từ tháng 12/1930 đến tháng 3/1931, số lượng tù chính trị đưa lên giam cầm tại nhà Ngục Kon Tum lên đến gần 300 người. 
Lợi dụng nơi rừng thiêng, nước độc và hoang vắng để thực hiện âm mưu “giết dần, giết mòn” những người Cộng sản và thực hiện chế độ cai trị, bóc lột tàn bạo. Trong quá trình thi công đường 14 ở Đăk Pao đến Đăk Pék, thực dân Pháp đã bắt tù chính trị ra công trường làm việc quần quật suốt ngày với cuộc sống vô cùng tồi tàn, cùng với đói khát, ốm đau, bệnh tật, sốt rét, kiết lỵ không được cứu chữa, lại thường xuyên hứng chịu những trận đòn roi vô cớ, những chiêu trò giết người man rợ của bọn cai, đội và binh lính. 
Dù chế độ lao tù hà khắc nhưng Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã gieo hạt mầm cách mạng của Đảng trên vùng đất Bắc Tây Nguyên bằng việc thành lập Chi bộ đảng đầu tiên tại tỉnh Kon Tum vào cuối tháng 9 năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ binh, các chiến sỹ cộng sản đã làm nên các cuộc đấu tranh chính nghĩa từ Nhà Ngục Kon Tum. Nổi bật là Cuộc đấu tranh lưu huyết, Cuộc đấu tranh tuyệt thực vào tháng 12/1931. Qua đó, gây tiếng vang lớn trong dư luận thế giới về tự do công lý và nhân phẩm con người, buộc thực dân cai trị ở Đông Dương phải thay đổi chế độ đối xử với tù chính trị ở Kon Tum và toàn cõi Đông Dương.
Với ý nghĩa quan trọng này, ngày nay, Di tích lịch sử Ngục Kon Tum là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh, là nơi ghi dấu thời kỳ lịch sử oai hùng của cách mạng tỉnh Kon Tum nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung. Ngày 16/11/1988, Ngục Kon Tum được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1288/VH-QĐ. Tại đây có ngôi mộ tập thể an táng những người tù đã hy sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực tháng 12/1931.

/upload/104939/20240925/grab899da3_bi_thu_trao_danh_hieu_1.jpgĐồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum giai đoạn 1930 – 1931.

Để ghi nhận công lao to lớn của Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Ngục Kon Tum, thời kỳ 1930 - 1931, ngày 21/11/2022 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành quyết định số 1384/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

/upload/104939/20240925/grab8c6a34_chu_tich_ubnd_tinh_le_ngoc_tuan_phat_bieu_tai_buoi_le_1.jpgĐồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi Lễ 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tich UBND tỉnh nhấn mạnh, nhằm phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của người Cộng sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Kon Tum không ngừng phát triển. Quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum cùng với phong trào cách mạng cả nước dành được kết quả vẻ vang trong chặng đường đấu tranh Kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống  Mỹ - Diệm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 
Với lòng tự hào, niềm tin sâu sắc vào Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền. Củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn với xây dựng nông thôn mới. Duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. 
Với tinh thần đoàn kết một lòng của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng chí tin tưởng rằng, sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng tỉnh nhà ổn định và phát triển bền vững sẽ giành được những thành tựu to lớn trong thời gian tới.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kon Tum.


Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.085
Hôm qua : 2.559
Tháng 11 : 4.589
Tháng trước : 29.123
Năm 2024 : 107.920