A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TƯNG BỪNG NGÀY HỘI VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH CÁC DÂN TỘC VÙNG TÂY NGUYÊN

Tối 29.11, tại Quảng trường 16.3, Thành phố Kon Tum (Kon Tum), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023, với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ”. 

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chúc mừng các đại biểu về dự Ngày hội

Tham dự Ngày hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang; Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; đại diện Ban, Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 5 tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, có gần 600 nghệ nhân, diễn viên, vân động viên của các dân tộc của 5 tỉnh Tây Nguyên đã hội tụ về đây đua tài - khoe sắc.

Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại Lễ khai mạc 

Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện và bền vững vùng Tây Nguyên. Từ khi đổi mới đến nay, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này. Ngày 6.10.2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định “Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng”.

Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu chào mừng 

Quán triệt thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, với sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương, đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã tích cực triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đến nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như nhà rông, nhà dài, đàn đá, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, làn điệu dân ca đậm đà bản sắc, trong đó có Trường ca Đam San huyền thoại của đồng bào Ê Đê, các lễ hội gắn với “Không gian văn hóa Cồng chiêng” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng  Nguyễn Văn Hùng cùng các đại biểu tham dự Lễ khai mạc 

“Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất sẽ thực sự trở thành điểm hội tụ, lan tỏa, là dịp để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh con người, vẻ đẹp hùng vĩ và văn hoá dân tộc đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, thu hút phát triển du lịch vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Hàng nghìn người dân và du khách hào hứng với Lễ khai mạc Ngày hội

Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Kon Tum, Đảng bộ, chính quyền các địa phương, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyện trong việc tổ chức Ngày hội hôm nay cũng như những đóng góp thiết thực nhằm phát huy cao độ các giá trị văn hóa góp phần phát triển bền vững Tây Nguyên.

Bộ trưởng mong muốn các đồng chí, đồng bào tiếp tục quan tâm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, các di sản thế giới, di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong phát triển văn hóa truyền thống; tạo mọi điều kiện nâng cao mức thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của nhân dân; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Mong rằng Tây Nguyên mãi đẹp trong tâm trí đồng bào các dân tộc Việt Nam và cộng đồng quốc tế như nhà thơ Nông Quốc Chấn đã viết: “Tôi biết buôn anh cũng có rừng/ Có nương màu mỡ, có đàn Tơ rung/ Có voi chở lúa đi ngang núi/ Có những người con thật anh hùng...”

Bộ trưởng  Nguyễn Văn Hùng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn tặng hoa, cờ lưu niệm cho các đại diện các đoàn nghệ nhân, các đơn vị tham gia Ngày hội

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng: Kon Tum là tỉnh ở khu vực Bắc Tây Nguyên với nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái; có vị trí đặc biệt trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Bày tỏ niềm vui và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, với tiềm năng, thế mạnh, cùng với những giá trị lan tỏa từ Ngày hội hôm nay, Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới, cùng toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang khẳng định: Trải qua các thời kỳ lịch sử, đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

“Việc tổ chức luân phiên Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên là một sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi văn hóa, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng bản làng, quê hương vùng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh”, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum nói và nhấn mạnh.

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng bày tỏ sự trung thành và niềm tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và xin hứa sẽ luôn kiên định, vững bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp bước truyền thống các thế hệ cha anh, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, nắm bắt, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng ổn định, phát triển nhanh và bền vững”.

Tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn đã tặng cờ lưu niệm và hoa cho đại diện đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum; đại diện các đơn vị tham gia Ngày hội: Học viện Cảnh sát Nhân dân, Đoàn nghi lễ Công an Nhân dân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động – Bộ công an.

600 nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Trống hội - Học viện cảnh sát nhân dân biểu diễn tiết mục đặc sắc tại Lễ khai mạc

Ngay sau Lễ khai mạc, các đại biểu cùng hàng nghìn người dân và du khách được mãn nhãn với Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” và màn bắn pháo sáng nghệ thuật.

 

 

Chương trình nghệ thuật "Tinh hoa hội tụ" do các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của 5 tỉnh Tây Nguyên thể hiện

Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 tại Kon Tum diễn ra từ ngày 29.11 đến hết ngày 1.12. Trong khuôn khổ Ngày hội các hoạt động như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên đồng hành cùng sự phát triển của đất nước;  Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; Hoạt động xúc  tiến, quảng bá du lịch. 

Đây là dịp để cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên được đắm mình trong dòng sông văn hoá cội nguồn, để cùng khoe sắc với đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là thông điệp trực quan vận động bà con các dân tộc trong và ngoài tỉnh về giữ gìn và phát huy di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các dân tộc của các tỉnh Tây Nguyên gặp gỡ, giao lưu văn hoá, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá không gian văn hoá - lễ hội của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Nguồn: Báo Văn hóa


Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 914
Hôm qua : 2.598
Tháng 01 : 20.416
Tháng trước : 31.295
Năm 2025 : 78.864