A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VỀ THĂM NGỤC KON TUM

Họ thuộc từng lối đi, từng hàng cây trong Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum. Bởi lẽ, một năm, họ đến đây không biết bao nhiêu lần. Đặc biệt, năm nào cũng vậy, đến ngày kỷ niệm hai Cuộc đấu tranh Lưu huyết, Tuyệt thực, họ lại về Ngục để dâng hương. Trong tâm khảm, với lòng biết ơn, những người cựu chiến binh tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng đổ máu, hi sinh vì Tổ quốc.

Năm nay, kỉ niệm Cuộc đấu tranh Lưu huyết, những người lính lại về thăm Ngục, dâng hương tri ân.

Ông Cao Đức Bằng - thương binh 2/4 (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) kể rằng, trong lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có ghi, cha của ông - Cao Văn Thi (1901) tham gia cách mạng từ năm 1927 và đến năm 1930 bị giặc Pháp bắt và đưa vào giam tại Ngục Kon Tum. Sau đó, chuyển sang Nhà đày Buôn Ma Thuột. Mặc dù những thông tin về cha ở Ngục Kon Tum không nhiều, nhưng mỗi lần đến đây, ông đều rất xúc động.

 Cùng xem các tư liệu lịch sử, hiểu về những gian khổ của những chiến sĩ Cách mạng

“Nhìn những xiềng xích, gông cùm còn lưu giữ tại Di tích; đọc tư liệu lịch sử về các hình thức lao động khổ sai mà thực dân Pháp đàn áp tù chính trị mà tim tôi như thắt lại. Có thể, ở đây, cha tôi cũng bị đàn áp như thế. Từ trong sâu thẳm, tôi thấy thương cha, thương các anh hùng liệt sĩ trong các cuộc đấu tranh nói chung cũng như trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết nói riêng. Tôi khâm phục, biết ơn và tri ân công lao to lớn ấy” - ông Bằng xúc động.

Từng tham gia chiến đấu, từng chỉ huy và cùng đơn vị phá 200 quả bom, ông Bằng nói rằng, thật khó để kể hết những nỗi khó nhọc trong mỗi giai đoạn chiến đấu. Thế nhưng, ông tin rằng, các thế hệ đi trước phải trải qua gian khó hơn gấp nhiều lần. 50 năm tuổi Đảng, với ông, cách tri ân thiết thực nhất chính là tuyệt đối trung thành với Đảng và luôn nỗ lực hơn nữa để phụng sự Tổ quốc.

4 người lính năm xưa, có người tham gia kháng chiến chống Mỹ, người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, có người tham gia chống FULRO, hôm nay, cùng gặp nhau tại Ngục. Những người lính từng trải qua các chiến trường ác liệt, hơn ai hết, họ hiểu rõ những gian khó, khổ nhọc trong thời chiến. Thế nhưng, đứng trước tượng đài bất khuất, khi thắp nhang trước hai ngôi mộ chung, khi xem các tư liệu, hình ảnh về những gông cùm mà những người tù chính trị trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết phải gánh chịu, những cựu chiến binh lại ngả mũ thán phục, biết ơn vô cùng tinh thần chiến đấu của cha ông.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hiệp sinh ra trong gia đình cách mạng. Bản thân ông, trong quá trình tham gia chiến đấu tại các chiến trường đã vinh dự cùng các đồng đội bắn rơi máy bay địch. Từ khi đến công tác và sinh sống tại Kon Tum, năm nào, ngày kỷ niệm Cuộc đấu tranh Lưu huyết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông cũng cùng đồng đội đến thăm Di tích lịch sử Ngục Kon Tum. Ông bảo, bất kỳ bạn bè, người thân từ nơi xa đến chơi, ông đều mời đến thăm Di tích lịch sử Ngục Kon Tum. “Đọc các tư liệu, chúng tôi - những người lính thấm hiểu bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Cộng sản trước mũi súng của kẻ thù. Chết cho sự sống, chết một người để cứu sống muôn người, là người lính, chúng tôi khâm phục ý chí kiên cường của các chiến sĩ cách mạng nơi đây”- ông Hiệp chia sẻ.

 Cùng thắp nhang ở 2 ngôi mộ chung.

Dưới bóng xà cừ rợp mát, những người cựu chiến binh dâng hương rồi đi thăm quanh Ngục, cùng ôn lại những hào khí anh hùng ở địa ngục trần gian. Với những người lính năm nào, chiến công của các bậc tiền bối vang mãi.

Đôi mắt đỏ hoe, cựu chiến binh Phạm Văn Sáu (tổ 3, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) cố ngăn không để nước mắt rơi. Ngoài sự tri ân và lòng biết ơn, bản thân ông có nhiều mong muốn. Ông vui mừng khi thấy đường vào Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum đã đẹp hơn trước. Nhưng ông vẫn mong rằng, con đường được làm rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn nữa; Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum tiếp tục được quan tâm tu bổ, tôn tạo.

Còn cựu chiến binh Trần Quang Lâm (tổ 8, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) mong rằng, sự kiện lịch sử Cuộc đấu tranh Lưu huyết, Tuyệt thực được tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để thế hệ sau biết đến công lao của cha ông; từ đó, hiểu hơn về lịch sử và bày tỏ lòng tri ân với những người có công với cách mạng.

Nguồn: Báo Kon Tum.


Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 32
Hôm qua : 49
Tháng 05 : 2.910
Tháng trước : 11.434
Năm 2024 : 53.073