KHUYẾN CÁO CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI.
Ngày 11-3-2024, Sở Y tế ban hành Công văn số 814/SYT-NVYD khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.
Áp phích tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại
Văn bản 814 nêu rõ: Bệnh Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh Dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn Dại, tỷ lệ tử vong 100% (đối với cả người và động vật).
Tuy nhiên, bệnh Dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng Dại; Tiêm vắc xin Dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh Dại.
Để chủ động phòng chống bệnh Dại, Sở Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, như:
Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y.
Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Diệt ngay chó và động vật lên cơn Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại trong khu vực ổ dịch.
Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường - Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống bệnh Dại. Vết thương rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có); hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa được bệnh Dại.
Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại; không sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền…) chưa được phép lưu hành để điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị động vật cắn.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.