"CHỈ BÀN LÀM, KHÔNG BÀN LÙI"
Vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời điểm hiện nay.
Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu bức thiết từ thực tiễn, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế”, bởi vậy “cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.
Trước chủ trương hết sức đúng đắn, ý Đảng quyện với lòng Dân, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân với niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua đã cùng nhìn về một hướng, đồng thuận, ủng hộ. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân tâm sự rằng, trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, nước ta vẫn được đánh giá là điểm sáng. Nhưng không vì vậy mà “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, khó khăn phía trước vẫn còn nhiều. Nếu không đổi mới, đổi mới một cách quyết liệt, triệt để thì khó mà phát triển toàn diện, hoàn thành được các mục tiêu mà Đảng ta đã đặt ra, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Cán bộ, đảng viên dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 tại điểm cầu tỉnh.
Trong nhiều vấn đề mà yêu cầu thực tiễn đặt ra, thì vấn đề tổ chức bộ máy như người đứng đầu Đảng ta đã chỉ rõ “tuy đã được đổi mới một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm””, đòi hỏi phải sắp xếp, tinh gọn, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển.
Như đã nêu, trước chủ trương đúng đắn, ý Đảng quyện lòng Dân, cán bộ, đảng viên và nhân dân đón đợi, ủng hộ, song vẫn có một số ít không khỏi trăn trở. Sự trăn trở này cũng là điều dễ hiểu vì trong quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ sẽ sáp nhập lại các cơ quan, đơn vị. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có tác động đến các cơ quan, đơn vị trong diện sáp nhập và mỗi cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong các tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không phải là mới, đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, chú trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về sắp xếp tổ chức bộ máy. Gần đây nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thực tế cho thấy, qua những lần Đảng, Nhà nước ta tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng không tránh khỏi những trăn trở, suy nghĩ khi có sự thay đổi, điều chỉnh các nội dung công việc có liên quan mật thiết đến cuộc sống, sinh hoạt của mỗi người. Tuy nhiên, không vì thế mà chùn bước, tất cả cùng đồng lòng, cùng nêu cao quyết tâm vì cao hơn cả là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Và thực tế đã chứng minh, khi ý Đảng quyện lòng Dân, khi quá trình sắp xếp, đổi mới, tinh gọn được triển khai một cách quyết liệt, khoa học, đồng bộ, khi các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quan tâm đảm bảo, chỉ sau một thời gian ngắn, những trăn trở, suy nghĩ ban đầu được tháo gỡ và hoạt động của cơ quan, đơn vị được sắp xếp thông suốt, hiệu quả hơn so với trước.
Sau khi được sáp nhập, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tập trung được nguồn lực, nâng cao chất lượng dạy và học.
Nói như vậy để thấy, trong từng bối cảnh cụ thể, trong từng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, mọi chủ trương, quyết định đổi mới quyết liệt dù có những trăn trở, suy nghĩ ban đầu nhưng lúc nào cũng nhận được sự đồng lòng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân để cùng thực hiện mục tiêu “đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn.
Và trong lần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được Đảng ta triển khai này cũng vậy, dự báo trước những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của một số cá nhân, tổ chức khi tiến hành tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải tiến hành một cách khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản, đảm bảo sau tinh gọn, sắp xếp, bộ máy của hệ thống chính trị được vận hành trơn tru, đồng bộ, giảm tầng nấc trung gian.
Cuộc sống ngày càng phát triển thì càng có nhiều khó khăn, thử thách và bất cứ trước những thay đổi nào cũng sẽ có những trăn trở. Nhưng, thực tế đã cho thấy, mọi sự đổi mới chính là cơ hội “lửa thử vàng”, vạch đường chỉ lối cho cả một giai đoạn để làm nên những mùa vàng bội thu.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi” – những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nêu cao quyết tâm. Chắc chắn khi mọi việc được triển khai khoa học, minh bạch, khách quan, dân chủ; khi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đồng sức, đồng lòng, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của tập thể lên trên lợi ích bản thân thì dù có khó đến mấy, chúng ta sẽ tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.
Theo Báo Kon Tum.