A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT HIỆU QUẢ

Theo thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue với 43 ca mắc. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc và số ổ dịch đều giảm sâu. Có được điều này là nhờ ngành y tế và chính quyền địa phương các cấp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống bệnh.

Giảm sâu số ca mắc bệnh

Thành phố Kon Tum từng là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết thường xuyên dẫn đầu của tỉnh. Đỉnh điểm là vào các năm 2016 và 2019, với số ca mắc sốt xuất huyết lần lượt là 1.074 và 861 ca.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum, từ đầu năm đến nay mới ghi nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 15 ca mắc so với cùng kỳ năm 2022, giảm 280 ca so với cùng kỳ năm 2016.

Bà Nguyễn Thị Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và những năm trước đó nhờ sự ra quân thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue một cách đồng bộ, tích cực, triệt để của các cấp, các ngành.

 Phun hóa chất diệt muỗi

Trong đó, việc quản lý các cơ sở hộ gia đình có chứa lốp xe cũ, lốp xe đã qua sử dụng, kinh doanh phế liệu trên địa bàn, cũng như triển khai thường xuyên chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/ bọ gậy tại 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn thành phố mang lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống bệnh.

Trong khi đó, xã Đăk Hring là địa phương thường xuyên có nhiều ca mắc sốt xuất huyết của huyện Đăk Hà. Nguyên nhân là do vị trí của xã nằm ở khu vực nhiều diện tích cao su, là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sản và phát triển. Tuy nhiên, nhờ vào những nỗ lực trong công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân đã dần được nâng lên, từ đó giảm số ca bệnh.

Bằng chứng là năm 2022, xã chỉ ghi nhận 12 ca mắc sốt xuất huyết, và từ đầu năm 2023 đến nay, xã chưa ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết nào.

Bà Lê Mai Dung- Chủ tịch UBND xã Đăk Hring cho biết, chính quyền xã rất chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân trong việc phòng, tránh dịch bệnh. Các thôn, làng mỗi tháng hai lần thực hiện xử lý các vật dụng chứa nước đọng, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Mỗi gia đình cũng phải tự ý thức việc đổ các vật dụng chứa nước quanh nhà, không để lăng quăng/ bọ gậy sản sinh.

Bác sĩ CKII Đỗ Ngọc Hòa- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết, giảm 37 ổ dịch so với cùng kỳ năm trước; có 43 ca mắc tại 8/10 huyện, thành phố, giảm 97 ca so với cùng kỳ. Có được kết quả này là sự chủ động của ngành y tế, chính quyền địa phương các cấp trong tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue cũng như triển khai các biện pháp phòng bệnh.

Không lơ là, chủ quan

Dù số ca mắc đã giảm so với cùng kỳ năm 2022, song theo nhận định của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum, những tháng đầu năm số ca mắc bệnh thường thấp do tình hình thời tiết, mưa chưa nhiều. Bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11, tình hình mắc bệnh thường tăng nhanh do đây là mùa mưa ở Tây Nguyên và trùng với mùa sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh Aedes Aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Nhận định những tháng còn lại trong năm sẽ là thời điểm bùng phát các loại dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát tổ chức thực hiện có hiệu quả cam kết vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/ bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết Dengue đối với các cơ sở kinh doanh phế liệu, lốp xe đã qua sử dụng và hộ gia đình trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, giám sát phòng chống sốt xuất huyết định kỳ và đột xuất tại các địa phương.

Người dân cần tăng cường vệ sinh môi trường, xử lý các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng.

“Đặc biệt, Trung tâm sẽ huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, bảo hộ để điều trị kịp thời và đáp ứng với các tình huống dịch bệnh”- bà Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.

Khó khăn trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết là Kon Tum có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất khu vực Tây Nguyên, với hơn 54%, chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết chưa cao.

Việc tiếp cận thông tin còn hạn chế; chưa ý thức được tầm quan trọng của việc chủ động diệt lăng quăng/ bọ gậy mà còn trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành Y tế. Thêm vào đó, tập quán trữ nước, dùng nhiều vật dụng để đựng, chứa nước không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti – muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và lăng quăng/ bọ gậy phát triển.

Vì thế, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đỗ Ngọc Hòa, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống sốt xuất huyết. Trong đó chú trọng thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy” tại hộ gia đình.

Khuyến cáo người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/ bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa...             

Nguồn: Báo Kon Tum.


Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 73
Hôm qua : 172
Tháng 05 : 2.902
Tháng trước : 11.434
Năm 2024 : 53.065