A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TIN GIẢ VÀ HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

Thời gian qua, nhất là từ khi có đại dịch Covid-19 đến nay, tình trạng tạo dựng, tán phát tin giả (bịa đặt, sai sự thật) diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng, đem lại hậu quả khó lường, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, tổ chức.

Ngày 3/3/2024, Công an thành phố Kon Tum phát hiện chủ tài khoản Facebook “H.Y” (chủ tài khoản “H.Y” là L.T.Y (sinh năm 1995), trú tại phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đăng bài viết có nội dung chưa chính xác, gây hoang mang dư luận và tâm lý nhân dân với nội dung “Em nghe nói tối qua có vụ ngáo đá cướp xe xong đâm nhỏ học sinh trọng thương ở ngay quảng trường hả mọi ngừi ơi”.

Cùng với đó là bình luận “Thông tin chính xác theo ng nhà bé chia sẻ là bé bị 1 nhóm côn đồ tới hỏi chuyện gây gổ rồi đánh nhầm bị đâm 7 nhát và hiện đang cấp cứu. Thông tin này là chính xác nha m.n ơi. Không phải ngáo đá cướp xe hay là bị thằng khùng đâm đâu”.

Hay trong 2 ngày 6-7/5, ông P.T.V (sinh năm 1961) trú tại phường Trường Chinh đã sử dụng tài khoản Facebook “P.T.V” để đăng tải, chia sẻ 2 bài viết từ trang “Việt Tân” và “Đất Việt” với nội dung sai sự thật về tình hình tham nhũng ở nước ta.

Lực lượng công an tăng cường tuyên truyền cho người dân về phương thức, thủ đoạn tán phát tin giả

Công an thành phố Kon Tum đã tiến hành gọi hỏi các đối tượng làm rõ nội dung. Các đối tượng đã nhận thấy hành vi vi phạm pháp luật của mình, cam kết gỡ bỏ hoàn toàn bài viết và không tái phạm.

Theo cơ quan chức năng, những năm gần đây, nhất là từ sau khi đại dịch Covid-19 đến nay, tình trạng tạo dựng, tán phát tin giả (bịa đặt, sai sự thật) diễn biến rất phức tạp, tập trung chủ yếu trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội (facebook, youtube, telegram).

Về thủ đoạn tạo dựng nội dung thông tin, các đối tượng đã khai thác khoảng trống, độ trễ của thông tin chính thống, khách quan từ cơ quan chức năng để tung ra thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Trong đó các đối tượng thường dùng thủ thuật lồng ghép thật - giả; giả mạo nguồn thông tin; giả mạo trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, giả mạo phát ngôn của cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, người nổi tiếng để tạo dựng thông tin giả mạo.

Đáng chú ý, nhiều tin giả được phát triển trên cơ sở những vấn đề “nóng”, nhạy cảm, được dư luận quan tâm, nhất là về công tác nhân sự, các vụ việc vi phạm, sai phạm liên quan cán bộ lãnh đạo quản lý.

Không ít vụ việc, các đối tượng đã khai thác hình ảnh, video thực, dùng thủ thuật lồng ghép âm thanh làm sai lệch hoàn toàn bản chất vụ việc, gây dư luận rất phức tạp.

Về thủ đoạn phát tán, đăng tải thông tin, các đối tượng triệt để sử dụng tính năng livestream, tung các video có nội dung chứa tin giả lên mạng xã hội; lập các hội nhóm trá hình trên mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán tin giả, lôi kéo phát triển lực lượng.

Các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi để đối phó với việc quản lý, kiểm soát, phát hiện, điều tra, đấu tranh, xử lý của các cơ quan chức năng. Trong đó chủ yếu tập trung vào việc tạo, lập, duy trì hoạt động của các trang mạng ẩn danh; sử dụng các tài khoản cá nhân nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt được của người khác, tài khoản giả mạo, tài khoản ảo, lập các trang fanpage trên facebook, kênh youtube ẩn thông tin người quản trị, sử dụng để phát tán thông tin, hình ảnh, video xấu và đối phó, trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

Trên mạng xã hội (facebook, youtube) xuất hiện loạt tài khoản/trang/kênh giả mạo ghi danh các cơ quan nhà nước, danh nghĩa “yêu nước, bảo vệ môi trường” nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây nhiễu loạn thông tin; khiến cư dân mạng không phân biệt đâu là thật, đâu là giả; gây chia rẽ, phân hóa xã hội, nghi ngờ trong nội bộ, gây nhận thức lệch lạc, tác động tiêu cực tới tư tưởng, dư luận và tâm trạng xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, nhà nước. Thực tế, không ít đối tượng bị lôi kéo, mua chuộc thông qua các trang mạng phản động, có hành vi vi phạm pháp luật tuyên truyền chống Đảng, nhà nước.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các em học sinh luôn được cơ quan chức năng chú trọng.

Hành vi tạo dựng, tán phát tin giả đem lại hậu quả khó lường, ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, gây hậu quả về kinh tế và xã hội; gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, tổ chức.

Đơn cử như vụ việc xảy ra vào tháng 6/2018. Khoảng 18 giờ ngày 12/6/2018, tài khoản “Sau Tran” đăng tải lên mạng xã hội facebook về  bé trai khoảng chừng 1 tuổi bị gãy 5 ngón tay được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng các y, bác sĩ bắt phải về nhà lấy giấy tờ mới cấp cứu.

Tuy nhiên, qua xác minh của cơ quan chức năng và xác nhận của gia đình bệnh nhân cho thấy, nội dung đăng trên trang facebook “Sau Tran” là sai sự thật.

Dù vậy, đến 10 giờ ngày 14/6, thông tin trên đã thu hút hơn 15.900 bình luận và gần 28.000 lượt chia sẻ. Nhiều bình luận bức xúc, trách cứ, lên án đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Qua đây có thể thấy, tin giả tác động trực tiếp đến tâm lý, trật tự xã hội, đời sống cộng đồng dân cư. Điều nguy hiểm hơn là, tin giả làm suy giảm niềm tin của người dân vào thông tin chính thống, gieo rắc sự hoang mang, tâm lý bi quan, hoài nghi ở một số bộ phận nhân dân, tạo tâm lý tiêu cực trong cộng đồng xã hội.

Các đối tượng tán phát tin giả đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ số, khoa học hiện đại để phát tán tin giả, trong đó mạng xã hội là phương tiện chủ yếu. Vì vậy, để tránh bẫy tin giả, người sử dụng mạng xã hội phải tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác, hành động có trách nhiệm; đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng trong phát hiện, đấu tranh, xử lý kết hợp tuyên truyền cảnh báo, phản bác tin giả- cơ quan chức năng khuyến cáo.

Theo Báo Kon Tum.


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 920
Hôm qua : 2.416
Tháng 09 : 13.243
Tháng trước : 28.059
Năm 2024 : 97.627